Chính phủ kiểm soát lạm phát như thế nào

Lạm phát xảy ra khi chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ vượt quá khả năng sản xuất. Giá cả có thể tăng vì hạn chế cung cấp tăng chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ, hoặc do người tiêu dùng, tận hưởng lợi ích từ một nền kinh tế phát triển mạnh, tiêu tiền dư nhanh hơn nhà sản xuất có thể tăng sản xuất. Lạm phát thường là kết quả của sự kết hợp giữa hai kịch bản này.

Chính phủ thường cố gắng duy trì lạm phát trong khoảng tối ưu, thúc đẩy tăng trưởng mà không làm giảm mạnh sức mua của đồng tiền. Ở Hoa Kỳ, một phần lớn trách nhiệm kiểm soát lạm phát thuộc FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang), một ủy ban của Ngân hàng Liên bang Mỹ đặt chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu của Fed là ổn định giá và tối đa hóa việc làm.

Có nhiều phương pháp được sử dụng để kiểm soát lạm phát và mặc dù không có phương pháp nào đảm bảo thành công tuyệt đối, một số phương pháp đã hiệu quả hơn và gây ít thiệt hại phụ hơn so với các phương pháp khác.

Chính phủ có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát lương và giá để chiến đấu chống lạm phát. Tuy nhiên, các chính sách này đã không thành công trong quá khứ, khiến chính phủ tìm kiếm các phương pháp khác để kiểm soát nền kinh tế.

Chính phủ có thể áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm nguồn cung tiền trong nền kinh tế.

Ủy ban Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất và nghiệp vụ thị trường mở.

Fed đã sử dụng yêu cầu dự trữ (Reserve Requirements) để quản lý nguồn cung tiền trong nền kinh tế quốc gia, nhưng đã tạm thời bỏ giới hạn này cho đến thông báo tiếp theo.

Kiểm soát giá cả (Price Controls)

Kiểm soát giá cả là các mức giới hạn giá do chính phủ quy định và áp dụng cho các hàng hóa cụ thể. Kiểm soát lương có thể được thực hiện song song với kiểm soát giá để làm giảm lạm phát do sự tăng lương.

Năm 1971, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon áp dụng các biện pháp kiểm soát giá rộng rãi nhằm chống lại sự gia tăng của lạm phát. Các biện pháp kiểm soát giá, mặc dù ban đầu được công chúng đón nhận và coi là hiệu quả, không thể kiểm soát giá cả khi lạm phát tăng mạnh vào năm 1973, lên mức cao nhất kể từ Thế chiến II.

Mặc dù có nhiều yếu tố can thiệp (ví dụ: kết thúc hệ thống Bretton Woods, thu hoạch kém, lệnh cấm dầu của các nước Ả rập và sự phức tạp của hệ thống kiểm soát giá những năm 1970), hầu hết các nhà kinh tế cho rằng thập kỷ 1970 là minh chứng đủ để cho thấy kiểm soát giá không phải là một công cụ hiệu quả trong việc quản lý lạm phát.

Chính sách tiền tệ thắt chặt (Contractionary Monetary Policy)

Chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay là một phương pháp phổ biến hơn để kiểm soát lạm phát. Mục tiêu của chính sách thắt chặt là giảm nguồn cung tiền trong nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất. Điều này giúp làm chậm sự tăng trưởng kinh tế bằng cách làm tăng giá trị tín dụng, từ đó giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Lãi suất cao trên các chứng khoán kho bạc (Treasury Securities) cũng làm chậm sự tăng trưởng bằng cách khuyến khích ngân hàng và nhà đầu tư mua Trái phiếu Chính phủ, đảm bảo mức lợi tức cố định, thay vì các đầu tư chứng khoán rủi ro hơn có lợi từ lãi suất thấp.

Monetary Policy- cach chinh phu kiem soat lam phat

Dưới đây là một số công cụ mà ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang, sử dụng để chiến đấu chống lại lạm phát.

Lãi suất quỹ liên bang (Federal funds rate – FFR)

FFR là là lãi suất các ngân hàng cho nhau vay qua đêm từ số dư trong dự trữ bắt buộc của chúng. Lãi suất quỹ liên bang đề cập đến lãi suất qua đêm mà các ngân hàng thu từ các ngân hàng khác khi cho vay tiền từ số dư dự trữ bắt buộc của chúng.

Tại Mỹ, các ngân hàng phải duy trì khoản dự trữ theo một tỉ lệ nhất định với tiền gửi của họ trong tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang. Bất kì khoản tiền nào vượt mức dữ trữ bắt buộc của họ đều có thể đem cho các ngân hàng khác vay. Lãi suất quỹ liên bang chủ yếu liên quan tới nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng và các tổ chức giữ tiền gửi khác được yêu cầu duy trì các tài khoản phi lãi suất tại các ngân hàng của Hệ thống Dự trữ Liên bang để đảm bảo rằng họ sẽ có đủ tiền để trả cho các khoản rút tiền của người gửi và đáp ứng các nghĩa vụ khác.

Số tiền ngân hàng phải giữ lại trong tài khoản của mình được gọi là dự trữ bắt buộc và được tính dựa trên tỉ lệ phần trăm của tổng số tiền gửi của ngân hàng. Số dư cuối ngày trong tài khoản của ngân hàng, tính trung bình trong thời gian dự trữ bắt buộc là hai tuần, được sử dụng để xác định xem có đáp ứng yêu cầu dự trữ hay không.

Nếu một ngân hàng dự kiến sẽ có số dư cuối ngày lớn hơn mức cần thiết thì có thể cho vay số tiền vượt mức cho một ngân hàng khác dự đoán số dư của nó sẽ thiếu hụt. Lãi suất mà ngân hàng cho vay có thể yêu cầu được gọi là lãi suất quỹ liên bang.(FFR).

FFR  không được Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) thiết lập trực tiếp. Thay vào đó, Ủy ban FOMC đưa ra một khoảng tỷ lệ lý tưởng cho FFR, sau đó điều chỉnh hai tỷ lệ lãi suất khác: Lãi suất trên tài khoản dự trữ (interest on reserves – IOR) và lãi suất qua đêm của hợp đồng Repo nghịch đảo (RRP) – để đẩy các tỷ lệ giữa các ngân hàng vào khoảng lý tưởng của FFR.

Hợp đồng Repo nghịch đảo (tiếng Anh: Reverse Repurchase Agreement, viết tắt: RPP) hay thỏa thuận mua lại nghịch đảo là việc mua tài sản với thỏa thuận sẽ bán chúng với giá cao hơn vào một ngày cụ thể trong tương lai. Đối với bên bán chứng khoán (và đồng ý mua lại trong tương lai), đó là hợp đồng repo; còn đối với đầu kia của giao dịch (là bên mua chứng khoán và đồng ý bán trong tương lai), thì đó là một hợp đồng repo nghịch đảo. Các repo được phân loại là một công cụ thị trường tiền tệ, và chúng thường được sử dụng để huy động vốn ngắn hạn.

Thuật ngữ lãi suất trên dự trữ (interest on reserves) chỉ đến lãi suất mà các ngân hàng thu được được từ tiền gửi của họ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Vì Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ nên lãi suất trên dự trữ được coi là một lãi suất không rủi ro và do đó là mức lãi suất thấp nhất mà bất kỳ người cho vay hợp lý nào nên chấp nhận.

5% đến 5.25%

Mức lãi suất mục tiêu FFR. Mức lãi suất này được Ủy ban FOMC đặt tại cuộc họp tháng 5 năm 2023. Ủy ban tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0.25%) so với mức lãi suất đặt vào tháng 3 năm 2023.

Lãi suất qua đêm của hợp đồng Repo nghịch đảo hoạt động tương tự. Nó tồn tại vì không phải tất cả các tổ chức tài chính đều có khoản tiền gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Lãi RRP qua đêm cho phép những tổ chức đó mua một chứng khoán kho bạc vào buổi tối và bán lại cho Fed vào ngày hôm sau. Lãi suất RRP qua đêm là sự khác biệt giữa giá mà chứng khoán được mua và bán lại.

Bằng cách tăng lãi suất này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang khuyến khích các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác tăng lãi suất cho các khoản vay có rủi ro hơn và chuyển nhiều tiền hơn đến Ngân hàng Dự trữ Liên bang không rủi ro, từ đó giảm nguồn cung tiền, làm giảm lạm phát.

Nghiệp vụ Thị trường mở (OMOs)

RRP là một ví dụ về nghiệp vụ thị trường mở (open market operations – OMOs), mà chỉ việc mua bán các chứng khoán kho bạc (Chứng khoán kho bạc, hay còn được gọi là Treasury Securities, là thuật ngữ chung để chỉ các khoản nợ chịu lãi của Chính phủ Hoa Kỳ. Chính phủ phát hành chúng thông qua Kho bạc như một phương tiện để vay tiền và đáp ứng các chi tiêu không được trang trải bằng thu nhập từ thuế). OMOs là một công cụ mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang sử dụng để tăng (bằng cách mua Chứng khoán kho bạc) hoặc giảm (bằng cách bán Chứng khoán kho bạc) nguồn cung tiền và điều chỉnh lãi suất.

Bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tăng lên khi Fed mua chứng khoán và thu hẹp lại khi bán chúng. Việc mua chứng khoán thúc đẩy tính thanh khoản trong các thị trường tài chính và tạo áp lực giảm lãi suất, trong khi việc bán chứng khoán có tác động ngược lại.

Yêu cầu dự trữ (Tỷ lệ dự trữ bắt buộc) – Reserve Requirements

Dự trữ bắt buộc (tiếng Anh: Reserve Requirements) là lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại buộc phải có trong kho tiền của họ, theo yêu cầu của ngân hàng trung ương hoặc của Cục Dữ trự Liên Bang (đối với Mỹ). Thông thường, các ngân hàng thương mại phải gửi số tiền này vào một tài khoản đặc biệt ở ngân hàng trung ương. Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng ngân hàng trung ương thường qui định tỉ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau cho các khoản tiền gửi có kì hạn khác nhau.

Cho đến ngày 26 tháng 3 năm 2020, Ngân hàng Dự trữ Liên bang cũng quản lý nguồn cung tiền thông qua yêu cầu dự trữ, tức là số tiền mà các ngân hàng phải giữ trên tay để đảm bảo thanh toán cho các yêu cầu rút tiền. Càng nhiều tiền ngân hàng phải giữ lại, càng ít tiền mà họ có thể cho vay cho người tiêu dùng.

Mặc dù yêu cầu dự trữ đã được giảm xuống mức không đến vào tháng 3 năm 2020, Ngân hàng Dự trữ Liên bang vẫn giữ quyền lực để khôi phục yêu cầu dự trữ trong tương lai.

Lãi suất chiết khấu (Discount rate)

Lãi suất chiết khấu trong tiếng Anh là Discount rate. Đó là lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng khi cho các ngân hàng thương mại vay tiền. Việc vay tiền của ngân hàng thương mại từ ngân hàng trung ương được gọi là vay chiết khấu.

Khi không đủ dự trữ bắt buộc, ngân hàng thương mại phải vay tiền của ngân hàng trung ương. Tình huống này có thể xảy ra bởi vì ngân hàng đã cho vay quá nhiều hoặc bởi vì có quá nhiều các khoản tiền được rút ra. Khi ngân hàng trung ương cho một ngân hàng vay tiền, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều dự trữ hơn và họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn.

Ngân hàng trung ương có thể thay đổi cung ứng tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất chiết khấu. Lãi suất chiết khấu càng cao, các ngân hàng càng ít vay tiền của ngân hàng trung ương đề bù đắp dự trữ. Đồng thời, để có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng trong khi ít vay tiền hơn từ ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng tỉ lệ dự trữ và làm giảm số nhân tiền. Bởi vậy, biện pháp tăng lãi suất chiết khấu có xu hưởng làm giảm cơ sở tiền và số nhân tiền, dẫn đến cung ứng tiền tệ giảm. Ngược lại, biện pháp giảm lãi suất chiết khấu sẽ khuyến khích các ngân hàng vay nhiều tiền hơn từ ngân hàng trung ương và dự trữ với tỉ lệ thấp hơn, dẫn tới cơ sở tiền và số nhân tiền tăng và cung ứng tiền tệ tăng

Lãi suất chiết khấu là tỷ lệ lãi suất được tính trên các khoản vay mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang cung cấp cho ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác. Cơ sở cho việc cung cấp các khoản vay ngắn hạn này được gọi là discount window (Cửa sổ chiết khấu là một công cụ cho vay của ngân hàng Trung ương nhằm giúp các ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn. Tại Mỹ, các ngân hàng không thể vay từ các ngân hàng khác thì có thể vay trực tiếp từ cửa sổ chiết khấu của ngân hàng Trung ương với mức lãi suất chiết khấu Liên bang. Lãi suất chiết khấu hiện tại được niêm yết trên trang web của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).)

Lãi suất chiết khấu được áp dụng như nhau ở tất cả các Ngân hàng Dự trữ, được định bởi sự đồng thuận của Hội đồng quản trị của mỗi Ngân hàng Dự trữ khu vực và Hội đồng Thống đốc của Fed.

Mặc dù mục đích chính của Discount Window giá là đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn của ngân hàng và duy trì sự ổn định trong hệ thống ngân hàng, lãi suất chiết khấu là một lãi suất khác cần được tăng lên để kiềm chế lạm phát.

Tại sao rất khó kiểm soát lạm phát?

Có nhiều nguyên nhân khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn. Khi giá cả tăng cao, người lao động yêu cầu tăng lương. Khi người lao động nhận được mức lương cao hơn, họ có khả năng mua được nhiều hàng hóa hơn, điều này làm tăng nhu cầu, từ đó làm tăng giá cả, gây ra một chu trình tăng giá và lương. Lạm phát cũng khó kiểm soát vì các phương pháp để chống lại nó, chẳng hạn như tăng lãi suất, mất thời gian để ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Mất bao lâu để có thể kiểm soát lạm phát?

Thời gian để kiểm soát lạm phát sẽ khác nhau vì nó là một quá trình linh hoạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhìn chung, được ước tính rằng có một khoảng thời gian trễ hai năm giữa các thay đổi trong chính sách tiền tệ để ảnh hưởng đến lạm phát và lạm phát thực tế.

Ai ngăn chặn lạm phát?

Việc ngăn chặn lạm phát là trách nhiệm của Ngân hàng trung ương của một quốc gia thông qua chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ chủ yếu liên quan đến việc thay đổi lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chính phủ thông qua chính sách tài khóa cũng có thể hỗ trợ trong việc chống lại lạm phát. Chính phủ có thể giảm chi tiêu và tăng thuế như một cách để giúp giảm lạm phát.

Kết luận

Chính phủ có tương đối ít cách để ngăn chặn lạm phát. Họ có thể đặt một mức giới hạn cho giá cả (price control), nhưng việc kiểm soát lạm phát bằng price control trong lịch sử không đặt được nhiều thành tựu. Hiện nay, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt là phương pháp ưu tiên để kiểm soát lạm phát, nhưng việc đạt được sự hạ nhiệt nhẹ nhàng cũng là điều khó khăn.

Share on:
QT Trader&Investor

QT hiện là nhà quản lý quỹ tại FXCE, chuyên giao dịch FX và chỉ số. Blog nhỏ này chỉ là nơi chia sẻ những thứ đơn giản nhất mà QT thấy hay và có ích cho quá trình giao dịch, đầu tư của mình. Mong muốn được giao lưu với tất cả bạn bè trong ngành giao dịch tài chính, Bạn có thể kết nối với QT qua Email hay Telegram

Viết một bình luận